XEM TƯỚNG XƯƠNG CỐT TỔNG LUẬN PHÚ QUÝ, THỌ YỂU
Tục ngữ có câu “Vẽ người, vẽ mặt, khó vẽ xương” đã phần nào diễn tả được việc xem tướng xương hay còn gọi là cốt tướng hay cốt tướng pháp là một điều vô cùng khó khăn. Bởi lẽ nếu tướng mặt lộ rõ bong ra bên ngoài, dễ nhìn dễ thấy thì tướng xương lại ẩn sâu dưới lớp da, thịt, cơ, máu, mô…khó mà nhìn bằng mắt thường. Ngày này, với khoa học kỹ thuật hiện đại như chụp XQ, chụp cộng hưởng từ…con người mới nhìn được bộ xương của mình khi còn sống. Vậy mà, từ xa xưa, nhân tướng học bằng phương pháp quan sát đã đưa ra những luận lý xem tướng xương cốt luận đoán phú quý, thọ yểu, vinh nhục trên con đường vận mệnh. Cùng Nhân tướng Lương Hồng khảo cứu về cốt tướng trong bài viết dưới đây nhé!
Tướng xương là gì?
Khi xem tướng xương, chớ nhầm lẫn rằng chỉ cần xem tướng xương trên đầu, trên mặt. Tướng xương trong nhân tướng học bao hàm hai nội dung: một là hình tướng khung xương cả cơ thể, hai là tướng xương đầu (xương mặt)..
Vì sao lại nói vậy?
Trước tiên chúng ta nên hiểu, xem tướng là xem toàn bộ hình dáng, cử chỉ, phong thái, tâm tư, tình cảm, khí chất, ngôn ngữ…của một cá nhân. Vì vậy, toàn bộ hình tướng được cấu tạo nên từ khung đỡ là xương người. Do đó, xem tướng xương phải xem tổng thể xương trên cơ thể.
Việc tách bạch tướng đầu hay nói nôm na là tướng mặt là nội dung thứ hai trong cách xem tướng xương, bởi lẽ đầu là bộ vị tối quan trọng trong nhân tướng. Nơi đó chứa não bộ và có mối quan hệ mật thiết với thần khí, thần thái của con người. Do đó, trong thuật xem tướng xương không bỏ sót một đốt xương nào trên cơ thể nhưng tập trung nhất sẽ quan sát xương đầu, nơi phân định quý tiện, sang hèn của đời người nằm ở đó cả.
Nguyên tắc khi xem tướng xương
Cổ y thư đã viết về xương cốt như sau:
“Khớp xương giống như kim thạch, muốn dốc, muốn thẳng chứ không muốn ngang, muốn tròn chứ không muốn thô. Người gầy không muốn lộ xương, người béo không muốn lộ thịt, xương và thịt tương xứng, khí huyết tương ứng.”
Đó là quý tướng.
Sách Thần tướng toàn biên có viết:
“Xương không lồi trễ lại không lộ, còn phải tròn trong có tú khí. Xương là dương thịt là âm, âm không nhiều thì dương không bám. Nếu âm dương xương thịt đều, trẻ không quý già hẳn giàu.”
Lại nói thêm:
“Người sang xương cốt nhỏ tròn dài, ngoài xương không gân thịt lại thơm. Vua xương tôi thịt cùng ứng phụ, không hẳn không ngôi ăn kho trời. Xương thô đâu được giàu cơm áo, ngôi vị cũng không chớ có cầu. Rồng hổ không nên khắc hãm nhau. Gấn vấn trên xương nghèo hèn lâu”.
Nhân tướng học cho rằng, xương trên người không gì quý bằng xương đầu. Do đó, đã định ra cửu cốt tướng hay còn gọi là 9 tướng xương quý trên đầu cùng mối quan hệ khăng khít với lộc mệnh con người. Hãy xem bạn có tướng xương quý nào không nhé!
Quyền cốt là gì?
Quyền cốt hay còn gọi là xương hai bên gò má. Gò má trái là Đông nhạc, gò má phải là Tây nhạc trong Ngũ nhạc trên khuôn mặt. Xét về tướng xương gò má cần đối xứng, vừa phải, không nên lồi quá cao, cũng chớ nên thụt lõm. Xương gò má tốt nhất là nên cao thoai thoải vươn vào đến tóc mai, có thịt bao phủ đầy đặn, không thô, không lộ. Người có tướng xương gò má như vậy là người có uy quyền, đảm đương trọng trách nặng nề, có vị thế nhất định.
Dịch mã cốt là gì?
Xương dịch mã là phần nối tiếp của xương gò má vươn dài vào tới tóc mai, nổi lên như ngựa trạm thời xưa nên được gọi là dịch mã cốt. Nhìn xương dịch mã chủ đoán việc đi lại, xuất ngoại hay làm ăn xa. Xem tướng xương này dự đoán được một người đi ra bên ngoài có thể phát triển sự nghiệp hay gặp khó khăn cản trở.
Tướng quân cốt là gì?
Bắt đầu từ xương gò má phát triển đầy đặn ngang với tóc được gọi là xương Tướng quân hay phượng vĩ cốt. Người nào có tướng xương này, khi vào quân ngũ rất phù hợp, có thể nắm bắt vị trí quan trọng, có tướng về binh quan võ nghiệp.
Nhật giác cốt là gì?
Vị trí xương nhật giác nằm phía trên xương lông mày trái gồ lên kéo dài tới tóc mai bên trái. Hiểu một cách đơn giản, xương phía trên lông mày trái hơi nổi lên gọi là xương nhật giác. Tướng mệnh học cho rằng, người có xương nhật giác nổi lên sẽ rất quý, được người khác kính trọng.
Nguyệt giác cốt là gì?
Nằm đối xứng về phía bên phải của nhật giác cốt chính là nguyệt giác cốt. Xương lông mày bên phải hơi nổi lên được coi là quý tướng. Người nào cả nhật giác và nguyệt giác cốt đều nổi rõ đẹp là người có chức quyền và địa vị lớn trong xã hội, thành đạt từ rất sớm.
Long cung cốt là gì?
Xương hốc mắt nổi tròn lên được gọi là long cung cốt. Người nào có long cung cốt lại thêm thịt đầy đặn bao bọc, ánh nhìn mạnh mẽ là tướng anh hùng, khí chất hào sảng, sự nghiệp rạng rỡ.
Phục tê cốt là gì?
Phục tê cốt là tướng xương sống mũi chạy thẳng lên trán tới đỉnh đầu. Sách tướng viết người có tướng phục tê cốt là công thần rường cột quốc gia. Bên cạnh đó, người nào có tướng phục tê cốt mà phù hợp với khí sắc, khí thế lông mày thì rất đẹp, dự báo giàu sang suốt đời.
Xem tướng xương đoán giàu nghèo, thọ yểu
Trên thực tế, khi xem tướng xương ngoài việc quan sát cần kết hợp thêm sờ nắn và nhìn rõ mối quan hệ giữa xương với thịt và xương với thần thái của đương sự. Hãy cùng xem tướng xương, đoán giàu nghèo, thọ yểu theo phương pháp sau:
- Người cốt lạnh mà co không nghèo thì cũng ngắn thọ.
- Hai bên trái phải của nhật nguyệt giác có xương nhô thẳng lên là xương Kim Thành. Người có tướng xương này chí hướng bay xa.
- Ấn đường có xương nổi lên đến tận thiên Đình gọi là xương Thiên Trụ, từ Thiên Đình kéo thẳng lên đỉnh đầu là xương Phục Tê. Người có tướng xương Thiên Trụ, Phục Tê mang nghị lực kiên cường, có sự nghiệp thành tựu lớn.
- Trên mặt có xương nhô lên là xương gò má. Người nào có tướng này là có uy nghiêm.
- Xương gò má kéo đến tai là xương Ngọc Lương, người nào có tướng xương này thì trường thọ.
- Từ cánh tay đến khuỷu tay là xương Long, vừa dài vừa to; từ khủy tay đến cổ tay là xương Hổ, vừa ngắn vừa mỏng.
- Người nào xương không thẳng thì mệnh yểu.
- Tướng xương lộ thì cuộc đời dễ nghèo khó, không có gì trong tay.
- Người xương thẳng mà mềm thì có phúc và trường thọ nhưng cuộc đời ít khi được vui vẻ.
- Tướng xương mọc ngang ngạnh chủ cuộc đời nhiều hung tai.
- Người nào xương nhẹ thì nghèo khó, không có tước lộc.
- Tướng xương tròn thường thấy ở người có phúc, có lộc, cuộc sống thuận lợi.
Xem tướng xương theo ngũ hành hình tướng
Ngũ hành hình tướng chỉ 5 loại tướng tương ứng với ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ. Người có ngũ hành hình tướng, thì xương cũng có ngũ hành cốt tướng tương ứng vậy.
- Tướng xương mộc có đặc điểm hơi gầy, bên ngoài đen, hai đầu xương thô to chủ có nhiều vận rủi.
- Tướng xương thủy hai đầu sắc nhọn, cứng cáp, dự báo chủ nhân được giàu sang, phú quý.
- Tướng xương hỏa hai đầu xương thô là người tư chất chậm chạp, tài lộc kém.
- Tướng xương thổ hơi to và thô dày, là người có nhiều phúc.
- Tướng xương kim vừa chắc chắn lại vừa cứng cỏi cho thấy thọ mạng dài lâu, cuộc đời an lạc.
Các loại tướng xương đầu
Xem tướng xương trên đầu chớ nên bỏ qua tướng đầu hay còn gọi là hộp sọ. Nhân tướng học chia tướng đầu thành các loại như sau:
- Ngưu đầu: tướng đầu to, trán rộng, nảy nở về các phía xung quanh. Do tướng đầu lớn như đầu trâu nên có tên gọi là ngưu đầu. Người có tướng ngưu đầu, tướng các góc nổi cao là tướng người giàu có, sang trọng, có thể thành công danh sự nghiệp lớn.
- Hổ đầu: Xương đầu to hơi tròn như đầu hổ, miệng và mắt to, ánh mắt nhìn có uy. Người có tướng đầu hổ dễ có địa vị cao trong giới quân sự, chính trị.
Người xưa đã nói: “Ban Siêu có tướng hàm én, đầu hổ hổ thực là vạn lý phong hầu”.
- Cẩu đầu: tướng đầu nhỏ tròn nhọn như đầu chó nên có tên gọi là cẩu đầu. Sách tướng viết, đầu chó nhọn tròn, tuôn nước mắt buồn.
- Long đầu: Đầu to xương nổi lên như sừng nối liền với huyệt bách hội. Đó là tướng của người đặc biệt thông minh, trí tuệ phát triển, có địa vị cao, làm nên sự nghiệp lớn.
- Lộc đầu: hay còn gọi là đầu hươu, tướng đầu dài, bé và đẹp. Người có tướng đầu này thường ý chí mạnh mẽ, cứng rắn, cương nghị khó lòng mà lay chuyển được.
- Tượng đầu: Đầu voi cao và dày, có thế mạnh mẽ là người nhiều phúc lộc và trường thọ.
- Tê ngưu đầu: tướng đầu tê giác, hình thái cao ngất nghểu, rất có uy phong và giàu sang.
- Xà đầu: Tướng đầu rắn, hơi dẹt mỏng biểu thị một đời công danh mỏng manh.
Các xương chẩm tại tướng đầu
Xem tướng đầu không thể bỏ qua các xương chẩm hay ngọc chẩm, nằm chủ yếu phía sau gáy với các vị trí và hình thái khác nhau. Vì vậy mà mức độ phú quý, giàu nghèo của các loại xương chẩm này cũng rất khác biệt.
- Tam tài chẩm: ba xương tròn nổi sau gáy, có thể làm quan to.
- Ngũ nhạc chẩm: bốn góc nổi lên bốn xương tròn, ở giữa nổi lên một xương, có thể được phong chức tước.
- Song long cốt: hai xương hơi nhọn nổi lên gọi là song long cốt, tướng xương chẩm của đại tướng.
- Xa trục chẩm: bốn phía xương nổi cao, ở giữa lõm trũng xuống là xa trục chẩm, là người công danh hiển đạt.
- Liên quang chẩm: ba xương nổi lên liền nhau. Người có tướng xương chẩm này rất có địa vị trong xã hội.
- Yểm nguyệt chẩm: một mảnh xương cong , hình như trăng lưỡi liềm nằm ngửa là tướng của người làm quan to.
- Phú nguyệt chẩm: một mảnh xương cong nằm úp hình lưỡi liềm là tướng của quan chức.
- Tương bội chẩm: là tướng hai mảnh xương cong một úp một ngửa đối nhau. Đây là tướng xương chẩm của người kiêm hàm quan văn quan võ.
- Tam tinh chẩm: bên trên một xương, bên dưới hai xương xếp theo dạng chữ phẩm là người làm quan lại thanh liêm.
- Phương chẩm: bốn xương nổi lên có góc nhọn gọi là phương chẩm, là người hưởng phúc lộc triều ban.
- Viên nguyệt chẩm: một xương nổi lên, tròn nhuận là người làm quan mà thanh nhàn.
- Thùy lộ chẩm: một xương nổi lên trên vuông dưới tròn là người làm quan ở vùng xa xôi.
- Ngọc tôn chẩm: hai xương trên dưới đền tròn là tướng làm quan to.
- Bội nguyệt chẩm: hai xương dáng cong tựa lưng vào nhau là người có số hiển quý dài lâu.
- Nhất tự chẩm: một mảnh xương chạy dài như chữ nhất là người chân thành, tín nghĩa, tính tình mạnh mẽ, tôn quý.
- Hồi hoàn chẩm: cha con đều tôn quý.
- Tam quan chẩm: trong nhà có đến mấy người phú quý
- Liên chẩm: tướng người quý và thọ nhưng tính tình thất thường.
- Kê tử chẩm: có có tướng này tính tình nóng nảy nhưng cương trực.
- Sơn tự chẩm hay còn gọi là hoành sơn nhất tự chẩm, là tướng người chân thành, đáng tin và hiển đạt.
- Huyền châm chẩm, là người được lộc, quý hiển nhỏ.
- Thùy châm chẩm hay còn gọi là hữu ngọc chẩm là tướng người được sống lâu.
- Khuất tôn chẩm: tướng của người có lộc nhưng không có chức tước.
- Thượng tự chẩm: tướng xương chẩm của người chí cao, gan dạ, thành bại song hành.
- Yên cổ chẩm: người có tướng này đại vị thấp mà không vững bền, sự nghiệp thành bại nối tiếp nhau.
- Đinh tự chẩm là tướng người khoan hậu, bao dung.
- Sơn tự chẩm: tướng xương của người thông minh, phú quý và trường thọ.
- Điệp ngọc chẩm: có một xương tròn một xương vuông nổi lên đẹp đẽ là tướng người giàu có lại vẻ vang.
- Tượng nha chẩm: một xương nổi lồi cao nhọn hẳn lên là tướng người có quyền điều binh khiển tướng.
- Huyền châm chẩm: một xương nổi cao mà chia làm bốn góc là tướng của người làm chức quan võ.
- Nhất dương chẩm: một xương mọc ngang là số người giàu có, sống lâu.
Những lưu ý khi xem tướng xương.
- Khi xem tướng xương phải kết hợp xem tướng thịt và khí sắc. Bởi xương là quân, thịt là thần nên cần hài hòa, cân xứng. Nếu nghiêng lệch về bên nào đều là không tốt. Tướng xương cũng đi cùng với khí sắc và thần thái quyết định phú quý, thọ yểu và mệnh chung của một người.
- Xem tướng đầu chớ bỏ qua tướng tóc. Bởi tóc bao phủ bên trên, che chở cho đầu. Huyết khí trên đầu đùn ra tóc. Vì vậy, xem tướng tóc sẽ biết được khí huyết đang nuôi dưỡng đầu, não bộ có thịnh hay không.
- Xem tướng đầu không thể bỏ qua tướng xương chẩm. Hầu hết người nào có xương ngọc chẩm trên đầu đều có công danh, thi cử thuận lợi. Vì vậy, nhân tướng học cho rằng người nào có xương chẩm trên đầu là có quý cốt tướng.
Vẽ người, vẽ mặt nhưng chưa hẳn đã khó vẽ xương. Tướng xương dù được che phủ bởi thịt nhưng bản chất thịt bám vào xương mà nảy nở cho nên nhìn hình thái thịt và thế đứng của bộ vị có thể đoán định được cốt tướng. Do xương là bộ vị chủ quản vinh nhục, sang hèn đời người nên xem tướng xương đòi hỏi sự quan sát kỹ lưỡng, độc giả đọc bài viết chiêm nghiệm và tham khảo thêm các tài liệu khác trước khi áp dụng xem tướng ngoài cuộc sống.
Tướng bất độc luận, xem tướng cần xem tổng thể các bộ vị để luận đoán. Chỉ dựa vào một bộ phận mà vội vàng kết luận dễ dẫn đến cái nhìn đơn phương, phiến diện, thiếu chính xác. Quý độc giả tham khảo các bài viết có liên quan và chiêm nghiệm thêm.