GỐM SỨ BÁT TRÀNG – LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Làng gốm sứ Bát Tràng nằm bên bờ tả ngạn dòng Nhị Hà (sông Hồng) quanh năm đỏ nặng phù sa, cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 10km về phía đông. Trải qua gần một nghìn năm hình thành và phát triển, Bát Tràng là một trong những cái nôi gốm sứ cổ truyền của Việt Nam. Gốm sứ Bát Tràng là thương hiệu quen thuộc với người dân trong nước, khu vực Đông Nam Á, Đông Á và nhiều nước trên thế giới. Song song với việc xây dựng làng gốm sứ Bát Tràng, đời sống sinh hoạt văn hóa cũng có mối quan hệ mật thiết với nghề gốm. Gốm sứ Bát Tràng từng được sử dụng để đi sứ triều Minh, xuất khẩu ra nước ngoài. Đồ gốm cùng với gạch Bát Tràng đã đi sâu vào tiềm thức người Việt thông qua những bài thơ, bài văn, ca dao:
“Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ Bán nguyệt cho nàng rửa chân”.
Ngày nay, xã Bát Tràng gồm hai thôn là Bát Tràng và Giang Cao, trực thuộc huyện Gia Lâm, thủ đô Hà Nội. Trước đây, thôn Bát Tràng là một xã riêng biệt đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và vị trí địa lý.
Thời Lê Sơ, Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh ngày nay).
Dưới thời Nguyễn, trấn Kinh Bắc được đổi tên thành trấn Bắc Ninh, rồi tỉnh Bắc Ninh vào năm 1831. Thời điểm này, Bát Tràng trực thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An.
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 cho đến năm 1949, huyện Gia Lâm thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1961 cho đến ngày nay, huyện Gia Lâm là ngoại thành Hà Nội. Năm 1948, xã Bát Tràng sáp nhập với xã Giang Cao và xã Kim Lan thành xã Quang Minh. Năm 1964, 3 xã này được chia tách, xã Bát Tràng được khôi phục gồm hai thôn là Bát Tràng và Giang Cao như ngày nay.
Năm 1958, Nhà nước xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải, một phần diện tích làng cổ Bát Tràng xưa phải di dời vào bên trong khu tái định cư được gọi là Xóm Mới.
Nguồn gốc hình thành làng gốm Bát Tràng
Về nguồn gốc hình thành, lịch sử phát triển làng gốm cổ Bát Tràng còn nhiều nguồn tư liệu và ý kiến khác nhau. Cho đến nay, người dân làng Bát Tràng vẫn lưu truyền rằng: Sau năm 1010 khi vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La, có một nhóm người làm nghề gốm từ tổng Bồ Bát (làng Bồ Xuyên và làng Bạch Bát) thuộc phủ Trường Yên, trấn Thanh Hoa đã di cư ra vùng ven kinh đô mới để lập nghiệp. Cũng có giả thuyết cho rằng, sau sự kiện dời đô lịch sử của vị vua đầu triều Lý đã kéo theo yêu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn. Người dân vùng Bồ Bát đã có nghề làm gạch nên đã chủ động di cư theo đường sông ra Thăng Long phát triển nghề. Về sau, có thêm người dân thuộc các dòng họ khác cũng tới đây, làm thêm các sản phẩm gốm gia dụng phục vụ đời sống sinh hoạt cho triều đình và dân cư ven đô.
Một truyền thuyết khác chưa được kiểm chứng nhưng vẫn được lưu truyền rộng rãi tại Bát Tràng về nguồn gốc nghề gốm của làng như sau:
Vào thời Lý, có ba bị Tiến sĩ là Hứa Vĩnh Kiều, Đào Trí Tiến và Lưu Phương Tú được cử đi sứ Bắc Tống (960 – 1127). Sau khi sứ vụ hoàn thành, trên đường trở về ghé qua vùng Quảng Đông gặp phải bão nên đành dừng chân nghỉ lại. Tại đây, có nhiều lò gốm nổi tiếng, các ông đã học được kỹ thuật đem về truyền bá cho dân chúng của ba vùng.
- Hứa Vĩnh Kiều truyền cho dân làng Bát Tràng nước men trắng
- Đào Trí Tiến truyền cho dẫn làng Thổ Hà nước men đỏ.
- Lưu Phương Tú truyền cho dân làng Phù Lãng nước men vàng thẫm.
Câu chuyện trên cũng được truyền miệng ở làng Thổ Hà và Phù Lãng với ít nhiều tình tiết hư cấu và khác biệt. Hiện nay, chưa có tài liệu sử học xác nhận danh tính của ba nhân vật nêu trên.
Lịch sử phát triển nghề gốm Bát Tràng
Bạch Thổ Phường là tên gọi đầu tiên của làng Bát Tràng, có nghĩa là vùng đất trắng. Sau được đổi tên thành phường Bá Tràng, cuối thời Trần mang tên xã Bát. Đến thời Lê đổi tên thành xã Bát Tràng. Kể từ đây, Bát Tràng từ một làng gốm sứ bình thường trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh. Có thể thấy, đồ gốm sứ Bát Tràng đã đạt đến chất lượng đỉnh cao. Thời điểm này xuất hiện nhiều xưởng gốm sứ được phân chia thành lò quan và lò dân để phục vụ cả nhu cầu gốm sứ cao cấp và gốm sứ giá rẻ.
Trời thời kỳ Lê – Mạc (TK XV-XVI) là giai đoạn gốm sứ Bát Tràng phát triển cực thịnh. Một phần do chính sách của nhà Mạc khá cởi mở với công thương nghiệp, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển mạnh mẽ. Một phần khác, nền kinh tế hàng hóa được hình thành và có cơ hội phát triển thuận lợi. Đồ gốm Bát Tràng được sản xuất phong phú và lưu thông rộng rãi. Các sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: ấm chén Bát Tràng, chân đèn gốm, lư hương gốm, lọ hoa Bát Tràng.... được dùng để cung tiến vào đền, chùa.
Thế kỷ XVI-XVII, Bát Tràng bước vào thời kỳ mới, gốm sứ mậu dịch - gốm sứ thương mại - gốm sứ xuất khẩu. Bát Tràng nằm bên bờ Nhị Hà (sông Hồng), điểm giữa Thăng Long và Phố Hiến (hai trung tâm thương mại phát triển nhất tại Đàng Ngoài). Thông qua tuyến đường thủy nối liên hai đô thị này chính là cửa ngõ thông thương với thế giới bên ngoài. Chính vì vậy, đây là giai đoạn gốm Bát Tràng phát triển rực rỡ và được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Họ đặt rất nhiều bộ ấm chén, bình hoa, cốc sứ, bát đĩa...và có cả gạch Bát Tràng – một sản phẩm phụ trong quá trình nung gốm sứ rất được ưa chuộng.
Từ thế kỷ XVIII-XIX, việc xuất khẩu gốm sứ bị giảm sút do thị trường tiêu thụ biến động và chính sách hạn chế ngoại thương của chính quyền nhà Trịnh – Nguyễn. Nhiều trung tâm gốm sứ lớn trong nước bị tàn phá và mất dấu tích. Tiêu biểu như gốm Chu Đậu gần như bị xóa bỏ đến nỗi người dân tại nơi đó không biết gì về gốm. Gốm Bát Tràng với những lợi thế của mình đã sản xuất ấm chén, bát đĩa giá rẻ phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên đã duy trì được sức sống bền bỉ tới tận ngày nay.
Trong suốt những năm Pháp thuộc, lò gốm Bát Tràng vẫn luôn đỏ lửa. Làng Bát tràng có những chủ lò giàu lớn, có tới 2 lò bầu sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, đồ gốm mỹ nghệ và gốm sứ xuất khẩu. Sau cải cách năm 1986 gốm sứ Bát Tràng chuyển biến theo hướng kinh tế thị trường, hình thành nhiều công ty gốm sứ, hộ sản xuất gốm nhằm khôi phục và chấn hưng nghề gốm cổ truyền.
Sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, mẫu mã, màu men. Ngoài các dòng men chính như: men trắng, men mâu, men lam, men ngọc và men rạn... nghệ nhân, thợ giỏi làng Bát Tràng còn điều chế được nhiều dòng men mới rất độc đáo.
Các loại ấm chén in logo thương hiệu của Bát Tràng được nhiều doanh nghiệp sử dụng rộng rãi để quảng bá hình ảnh. Bộ bát đĩa, bình hoa, bộ đồ thờ, bình hút lộc...là những sản phẩm gốm Bát Tràng được thị trường ưa chuộng.
Nguyên liệu làm gốm Bát Tràng
Trước kia, người làng Bát Tràng khai thác nguyên liệu đất tại chỗ để sản xuất gạch và đồ đàn. Các sản phẩm này dụng đất thó – một loại đất đặc biệt để làm gốm. Sau khi nguồn đất này cạn kiệt, người Bát Tràng theo hướng sông Hồng đến các vùng khác để khai thác đất về làm gốm, như vùng Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh...
Đất sét khi được khai thác về chưa thể sử dụng ngay. Thông thường phải trải qua khâu xử lý đất kéo dài khoảng 4-6 tháng trong 4 hệ thống bể khác nhau:
- Bể đánh: ở vị trí cao hơn cả. Đất sét thô và nước được cho vào bể ngâm khoảng 3-4 tháng để phân rã kết cấu hạt nguyên thủy.
- Bể lắng: Khi đất đã chín được đánh thật đều, các hạt được hòa tơi ra thì được cho xuống bể lắng.
- Bể phơi: khi đất đã được tách bỏ bớt tạp chất, mềm nhuyễn như dạng hồ lỏng thì được chuyển sang bể phơi trong khoảng 3-4 ngày.
- Bể ủ: Khâu xử lý đất cuối cùng, tại đây các oxit sắt và tạp chất được khử bằng cách lên men.
Củi, gỗ là chất đốt chính cho các lò gốm Bát Tràng. Người làm gốm phải mua củi từ các nơi khác phơi khô rồi chất thành những lồng củi lớn để đốt lò. Sau này có một thời gian, Bát Tràng dùng than cám để nung gốm có ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.
Lò nung gốm Bát Tràng
Lò nung gốm là cơ sở vật chất – kỹ thuật quan trọng quyết định sự thành bại của quy trình làm gốm. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, đồ gốm Bát Tràng đã được nung đốt trong các mô hình lò chính như sau:
- Lò cóc: Là loại lò cổ xưa nhất được dùng để nung gốm, có hình dáng gần giống với một con cóc hoặc con ếch nên có tên gọi khác là lò ếch. Cấu trúc lò khá nhỏ, chiều dài khoảng 7m, rộng 3-4m, cao hơn 2m. Lò cóc sử dụng củi, tre, trấu, rơm rạ làm nguyên liệu nung đốt.
- Lò đàn: xuất hiện tại Bát Tàng khoảng giữa TK XIX, lò đàn có chiều dài 9m, rộng 2,5m, cao 2,6m. Nhiệt độ nung của lò đàn có thể đạt từ 1250-1300 độ C.
- Lò bầu: được người làm gốm Bát Tràng sử dụng vào khoảng đầu TK XX. Bầu có kết cấu dạng vòm giống như chiếc vỏ sò, thường có từ 3-5-7 thậm chí là 10 bầu. Nhiệt độ nung gốm khá cao, đạt tới 1300 độ C trở lên.
- Lò hộp: Cuối TK XX Bát tràng xây dựng lò hộp hay còn gọi là lò đứng để nung gốm. Lò cao khoảng 5m, rộng 0,9m, dùng than làm chất đốt, nhiệt nung lên tới 1250 độ C.
Quy trình sản xuất gốm sứ
Nghề làm gốm cổ truyền bao gồm nhiều quy trình công phu, trải qua nhiều công đoạn. Tóm lược lại, có 5 bước cơ bản trong các khâu làm gốm:
- Sơ chế đất: Bước đầu tiên để tạo ra đồ gốm là sơ chế đất. Bát Tràng thường gọi công đoạn này là làm đất, tách bỏ tạp chất lẫn bên trong, khiến cho đất trở nên mềm, mịn, dẻo để chuyển sang bước thứ hai.
- Tạo hình: Thông thường nghệ nhân gốm Bát Tràng sẽ tạo hình gốm sứ trên bàn xoay – một dụng cụ đặc trưng của nghề gốm. Ngoài ra, người ta cũng sử dụng phương pháp đổ khuôn, in, dập, nặn....để tạo hình cho đồ gốm thành con giống gốm, cốc sứ, ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, bình hút lộc...
- Trang trí: Sau khi chế tác hình dáng cơ bản, đồ gốm sẽ được trang trí các họa tiết lên trên bằng cách vẽ màu sắc, điêu khắc, đắp nổi... giúp đồ gốm trở nên sinh động, đẹp mắt hơn.
- Tráng men: Đồ gốm có thể được tráng men hoặc không tráng men. Thường thì lớp men bên ngoài sẽ giúp đồ gốm trở nên bóng đẹp và bền màu với thời gian hơn so với đồ gốm không men.
- Nung đốt gốm: Ngày nay Bát Tràng nung đốt gốm trong lò ga hoặc lò điện. Thời gian nung khoảng 20-24 giờ, tùy từng sản phẩm.
Sản phẩm gốm sứ tiêu biểu của Bát Tràng
Hiện nay, trên toàn xã Bát Tràng có hàng trăm đơn vị sản xuất gốm sứ, với cơ sở sản xuất khang trang, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồ gốm sứ Bát Tràng hầu hết được thị trường yêu thích và tiêu thụ rộng rãi.
Đồ gốm gia dụng
Để phục vụ nhu cầu sử dụng trong các gia đình Việt, bộ bát đĩa Bát Tràng, bộ ấm chén Bát Tràng được chế tác đa dạng về mẫu mã, màu men, họa tiết, kiểu dáng.
Ngoài mục đích sử dụng cho gia đình, bát đĩa Bát Tràng còn được ưu ái sử dụng trong các nhà hàng, khách sạn sang trọng. Bộ bát đĩa Bát Tràng đảm bảo tiêu chí bền, đẹp, đẳng cấp và an toàn cho sức khỏe người dùng.
Bình hoa in logo, cốc sứ in logo, ấm chén in logo do Bát Tràng sản xuất là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong các sự kiện, chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng. Với những ưu điểm giá hợp lý, đa dạng mẫu mã, sản xuất nhanh, chất lượng tốt, ấm chén làm quà tặng là mặt hàng chủ lực của Bát Tràng.
Bình hút lộc giá rẻ cũng là sự lựa chọn hàng đầu cho các sự kiện, đại hội, quà tân gia, quà tri ân.....Sản phẩm không chỉ dùng trong trang trí còn mang ý nghĩa phong thủy, tích lộc chiêu tài, mang đến thịnh vượng cho gia chủ. Chính vì vậy, những năm qua, bình hút lộc Bát Tràng được đông đảo người tiêu dùng yêu thích.
Đồ thờ gốm sứ Bát Tràng
Bộ đồ thờ gốm Bát Tràng đa dạng về kích thước kiểu dáng và chủng loại đến màu men. Có thể kể đến như: Bát hương, lọ hoa, mâm bồng, bộ tam sự, ngũ sự, ống hương, chóe, đĩa thờ, nậm thờ....Với các dòng men tiêu biểu như men lam, men rạn, men ngọc.... Theo thị hiếu của khách hàng, đồ thờ vẽ vàng Bát Tràng cũng dần lên ngôi và chiếm lĩnh thị phần lớn trong phân khúc đồ thờ gốm.
Đồ gốm xây dựng
Gạch Bát Tràng trước đây từng đi vào ca dao với những ưu điểm nổi bật về độ bền với thời gian và tính thích ứng với biến đổi khí hậu. Loại gạch này được mệnh danh là gạch da sắt. Nhiều công trình lớn trong lịch sử đã dùng loại gạch này, trải qua hàng trăm năm nắng mưa vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Có thể kể đến như: Hoàng thành Thăng Long, cố đô Huế, Văn Miếu Quốc Tử Giám.....
Ngày nay, Bát Tràng tập trung sản xuất gốm sứ gia dụng, gốm sứ tâm tinh, đồ thờ phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Gạch Bát Tràng không được sản xuất nhiều như trước đây, chỉ còn một số đơn vị đang duy trì dòng sản phẩm độc đáo này.
Trải qua gần một nghìn năm hình thành và phát triển, làng gốm sứ Bát Tràng không chỉ trở thành trung tâm gốm sứ nổi tiếng cả nước cũng như trên thế giới mà còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Làng gốm sứ Bát Tràng thật xứng đáng với lời khen ngợi:
“Bát Tràng là làng văn hiến
Từ xưa nay nổi tiếng xa gần”.