Vẻ đẹp con người Việt Nam trong ca dao - góc nhìn từ nhân tướng học
Người Việt được bạn bè thế giới đánh giá là đẹp mang nét đặc trưng Á Đông khó có sự nhầm lẫn. Vẻ đẹp con người Việt Nam đã đi vào tác phẩm văn học, thơ ca, ca dao, tục ngữ, hội họa, điêu khắc.... Không phải tự khen, người Việt đẹp về ngoài hình và duyên trong tính cách. Nhìn lại kho tàng ca dao Việt Nam sẽ thấy hình ảnh con người hài hòa, tinh tế như thế nào. Bài viết này khám phá nét đẹp Việt trên cơ sở văn học dân gian từ góc nhìn nhân tướng học, mong muốn đóng góp thêm cái nhìn mới mẻ tới bạn đọc.
Người Việt với ngoại hình không quá lớn nhưng rất nhanh, rất sắc. Nhanh là nhanh nhẹn trong hành động; sắc là sắc sảo, nhạy bén, thông minh trong tư duy. Điều này được biểu hiện ở hầu hết người Việt mà ai cũng dễ dàng nhận ra được.
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh”.
Người con gái Việt thời xưa, quanh năm chân lấm tay bùn, vất vả với đồng ruộng, ăn mặc giản dị nhưng vẫn giữ được thân hình cân đối, tròn trịa, với nụ cười tươi giòn, đôi mắt sáng trong đầy sức sống, dáng đi nhanh nhẹn. Được ca ngợi qua câu ca dao:
“Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”.
Chỉ với áo vải nâu, khăn mỏ quạ, váy nhuộm thâm và nụ cười tươi như hoa mà người con gái Việt hiện lên qua thơ ca đẹp đằm thắm, duyên dáng đến thế. Cái duyên ấy vẫn không làm nhạt đi sự sắc sảo của “đôi mắt dao cau”, một tướng mắt khá độc đáo trong nhân tướng.
Người Việt rất chú trọng đôi mắt trong việc nhận xét tính tình, phẩm chất đạo đức, quan niệm, tư tưởng của một người. Mượn những hình ảnh tự nhiên, ca dao đã đúc kết “cửa sổ tâm hồn” như sau:
“Những người con mắt lá răm
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nơi cất chứa những tâm tư, tình cảm, xúc cảm của con người. Ai đó đã nói rằng, trong đôi mắt còn chứa cả mỹ học. Có đôi mắt đẹp rồi, cần phải thêm đôi lông mày đẹp nữa mới thật sự hoàn mỹ. Vì lông mày là mái nhà che cho mắt nên cần thanh thoát. Đẹp nhất là đôi mắt lá răm đi cùng đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Có đôi mắt và chân mày đẹp rồi, cần có tiếng nói hay mới thực sự đi vào lòng người. Người thông minh, khéo léo chẳng khi nào có giọng nói vội vàng, hấp tấp.
“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Quan sát thiên nhiên, đúc rút kinh nghiệm và trở về nhận xét con người là triết lý tự nhiên và triết lý nhân sinh phổ biến ở Á Đông. Thông qua lời ăn tiếng nói có thể đoán biết người thông minh hay khờ dại, người có học vấn sâu sắc hay nông cạn. Lời nói là biểu hiện của năng lực tư duy, người xinh đẹp có lời ăn tiếng nói hay thì cái đẹp đó được nhân lên gấp bội. Người kém về nhan sắc mà được về giọng nói thì tiếng nói tô thêm nét duyên ngầm. Nên chẳng lạ khi thấy nhiều cô gái Việt ngoại hình không nổi trội mà lấy được chồng sang, được chồng chiều. Âu cũng là có nguyên do cả.
“Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu, sẽ đánh bên thành cũng kêu”.
Luận về nhân tướng, cần nhớ câu khẩu quyết rằng: “nhất thanh, nhị sắc, tam hình”. Xét về phẩm cách cao sang, thanh sáng hay thấp hèn đầu tiên phải xem tướng âm thanh. Người thanh cao không thể có giọng nói thô cằn, tục tĩu như phèng la, đinh tai nhức óc. Người phàm phu tục tử có giọng nói thanh tao thì ắt hẳn sẽ làm nên sự nghiệp với đời.
Về ngoại hình, người Việt rất chú ý đến đường nét hài hòa, cân đối, thậm chí thông qua đó còn đánh giá cả đức hạnh của người phụ nữ.
“Những người thắt đáy lưng ong
Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”.
Sự khéo léo, đức hạnh, phẩm chất của người phụ nữ được nhận xét qua hình dáng bên ngoài. Đó là sự cân đối, nảy nở mà không làm mất đi vẻ nữ tính, mềm mại, chỉn chu vốn có. Người có thân hình cân đối là người biết chăm lo cho gia đình, hết lòng yêu thương chồng con.
Trai tài gái sắc trên các vùng miền địa lý khi kết đôi cũng được phản ánh trong các câu ca dao như để tự hào cũng như để thấy sự xứng đôi vừa lứa. Người con trai tài đức vẹn toàn còn người con gái sắc sảo thằm thắm như “trai anh hùng với gái thuyền quyên” vậy.
“Nồi đồng lại úp vung đồng
Con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai”
Xứ Bắc là tên gọi ngắn gọn của xứ Kinh Bắc thời xưa (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Con gái Kinh Bắc nổi tiếng xinh đẹp lại đảm đang. Con trai Đồng Nai thì nổi tiếng gan dạ, dũng cảm, khí phách. Sự kết hợp hài hòa giữa cương với nhu, giữa âm với dương này đúng là sắt cầm hòa hợp không gì bằng.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Tràng An là tên gọi cũ của thủ đô Hà Nội ngày nay. Câu ca dao trên muốn nói rằng hoa nhài dung dị không khoe sắc lộng lẫy mà tỏa hương thơm ngát. Người kinh đô còn giữ được nhiều nền nếp, phong tục cổ truyền tốt đẹp. Đó là thuần phong mĩ tục theo từng vùng miền đặc trưng. Nhìn ngoài tự nhiên, dễ nhận thấy rằng, loài hoa nào càng lộng lẫy, màu sắc sặc sỡ thường không có hương thơm lưu luyến. Ngược lại, bông hoa giản dị, mộc mạc lại tỏa hương lay động lòng người. Đó cũng là quy luật bù trừ của tạo hóa, xét trong nhân tướng học cũng không ngoài triết lý này. Người tài giỏi, hoài bão lớn không để tâm quá nhiều vào ngoại hình. Người dụng tâm chau chuốt ngoại hình vô tình bỏ quên vẻ đẹp nội tâm bên trong.
Nhân tướng là bộ môn nghiên cứu toàn diện về con người. Chỉ dựa vào một bộ vị để đánh giá là thiếu khách quan. Để luận tướng cần xem xét tổng thể các bộ vị. Bài viết dựa trên tư liệu tham khảo và kinh nghiệm xem tướng của tác giả. Độc giả nếu sao chép vui lòng trích rõ nguồn nhantuong.com.vn