Nhân tướng Lương Hồng
Nhân tướng Lương Hồng
Nhân tướng Lương Hồng
  • Trang chủ
  • / Tin tức
  • / QUY TRÌNH SẢN XUẤT GỐM SỨ BÁT TRÀNG – NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

QUY TRÌNH SẢN XUẤT GỐM SỨ BÁT TRÀNG – NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

Đồ gốm đã được con người tạo ra cách đây hàng ngàn năm, từ hình dáng và chất liệu đơn giản nhất đến quy trình sản xuất gốm sứ chuyên nghiệp như ngày nay. Làng gốm cổ Bát Tràng được hình thành và phát triển gần một ngàn năm bên tả ngạn sông Hồng. Các sản phẩm gốm sứ không chỉ được tạo nên từ đất, nước, lửa mà còn chứa đựng tâm tư, tình cảm, trí tuệ và ước vọng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống của con người. Để tạo ra một sản phẩm gốm đẹp và tinh tế, người thợ gốm sứ phải trải qua nhiều công đoạn chế tác công phu. Bài viết này sẽ giới thiệu quy trình sản xuất gốm sứ Bát Tràng, quy trình sản xuất gốm sứ thủ công với những điều bạn chưa từng biết. Hãy đọc đến cuối bài để không bỏ lỡ những chi tiết quan trọng và thú vị nhé!

 

 


“Em là con gái Bát Tràng
Mười lăm, mười tám đi làm xuất thân
Cái khăn trắng ngẫn, trắng ngần
Cái yếm, cáo áo, cái quần bảnh bao
Thoạt vào, rải chiếu ra ngồi
Cái sành, cái giẻ, cái nồi nước trong
Cái bàn nó chạy long tong
Làm hai mươi ván thì xong một ngày
Bàn chè, chén mẫu khéo thay”.

Để tạo ra bộ ấm chén Bát Tràng, bộ bát đĩa Bát Tràng, bình hoa Bát Tràng, đồ thờ Bát Tràng..... người thợ làm gốm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi làng gốm với mặt hàng chủ lực sẽ đúc rút kinh nghiệm sản xuất gốm khác nhau. Làng Bát Tràng có kinh nghiệm truyền đời trong nghề làm gốm đó là: “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”

 

5 Quy trình sản xuất gốm sứ Bát Tràng chi tiết từng công đoạn

 

Dựa trên kinh nghiệm được tích lũy từ đời này sang đời khác, nghề làm gốm thủ công tại Bát Tràng trải qua 5 công đoạn chính như sau:

 

 

Xử lý và pha chế đất làm gốm

 

Xử lý và pha chế đất là công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất của việc làm gốm. Đó chính là kinh nghiệm “nhất xương” của người Bát Tràng. Xương ở đây chính là xương gốm hay đất tạo nên hình dáng của sản phẩm. Vì sao xương gốm lại quan trọng hàng đầu?
 
Trong đất chứa nhiều tạp chất, các loại khoáng và hợp chất oxit khác nhau, cùng một mỏ đất nhưng các tầng đất ở độ sâu khác nhau cũng cho ra tính chất đất khác nhau. Vì vậy, việc xử lý đất nhằm mục đích phá vỡ kết cấu hạt nguyên thủy và phân rã các nguyên tử đất làm cho đất trở nên nhỏ, mịn. Người làm gốm nếu không xử lý đất cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo hình và nung gốm sau này.

 

Pha chế đất là công đoạn được thực hiện sau khi đất đã qua xử lý. Với việc chế tác loại hình sản phẩm gốm khác nhau như: bình hút lộc, tượng gốm, ấm chén gốm sứ, cốc sứ, bình hoa sứ, bộ bát đĩa, bộ đồ thờ gốm....sẽ đòi hỏi tính chất đất tạo hình khác nhau. Vì vậy, việc pha chế đất sẽ phụ thuộc theo yêu cầu của từng loại hình sản phẩm.

 

Quy trình xử lý và pha chế đất sản xuất gốm sứ Bát Tràng sẽ trải qua 4 hệ thống bể ngâm chứa như sau:

 

- Bể đánh: Bể ở vị trí cao nhất trong 4 bể, dùng để đánh đất cho nhuyễn ra. Khi đất đã chín (đất được ngâm lâu đã nát) thì đánh thật đều, thật tơi để cho các hạt đất hòa tan trong nước và tạo thành một thứ nước đất lỏng như dạng hồ keo; các tạp chất hữu cơ có trong đất đã được tách ra và loại bỏ dễ dàng.

- Bể lắng hay còn gọi là bể lọc: là bể ở tầng thấp hơn dùng để chứa chất dịch lỏng chảy xuống từ bể đánh. Tại khu vực này, đất sét đã bắt đầu lắng đọng xuống, nước bên trên trong dần. Người Bát Tràng có thể tận dụng lượng nước trong này đưa quay trở lại vể đánh để ngâm mẻ đất mới.

 


- Bể phơi: là tầng bể cao thứ 3, dùng để chứa hồ đất loãng chảy từ bể lắng sang. Thông thường, đất sẽ được lưu lại ở bể này từ 4 đến bốn ngày rồi được đưa sang bể ủ.

- Bể ủ: là bể chứa đất cuối cùng trong công đoạn xử lý đất. Tại đây oxit sắt và các tạp chất khác được khử bằng phương pháp lên men. Theo kinh nghiệm dân gian, đất được ủ càng lâu thì các tạp chất trong đất càng được khử triệt để, đất làm gốm sẽ tốt hơn.

 

Người ta có thể tùy theo loại đồ gốm cần sản xuất mà pha thêm cao lanh vào đất hay không. Cao lanh cũng là thành phần chính để tạo nên đồ sứ Bát Tràng.

 

Tạo hình sản phẩm gốm sứ Bát Tràng

 

Phương pháp tạo hình sản phẩm truyền thống của người làm gốm Bát Tràng là vuốt tay và be chạch trên bàn xoay.

 


Vuốt gốm là gì?

 

Vuốt gốm là thao tác đất được nhào nặn thật kỹ với nước rồi đưa lên bàn xoay quay liên tục, người thợ gốm dùng đôi tay vuốt, nắn, kéo để tạo hình cho sản phẩm. Sau khi đất được dàn mỏng thành hình lọ gốm, bình hoa gốm, bình hút lộc....thì người thợ gốm cắt chân sản phẩm và mang đi hong khô. 
Công đoạn vuốt gốm trên bàn xoay đòi sự khéo léo và đôi tay dẻo dai của người thợ gốm lành nghề.

 

Be chạch gốm là gì?

 

 Người thợ gốm lấy một lượng đất thích hợp với sản phẩm rồi vừa be vừa kéo vừa định hình sản phẩm. Kỹ thuật be chạch không phụ thuộc vào bàn xoay nhiều như vuốt gốm. Bàn xoay không cần thiết phải quay liên tục mà được điều chỉnh từ từ theo thao tác của người làm gốm.
Bát Tràng sử dụng kỹ thuật be chạch và vuốt gốm đối với sản phẩm có kích thước khá lớn và hình dáng tròn, cân đối. Ngoài ra để sản phẩm gốm sứ đẹp và đa dạng, nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng còn kết hợp thêm phương pháp đắp nặn để tạo dáng cho sản phẩm.

 

Khuôn in gốm là gì?

 

Khuôn in gốm được làm từ gỗ, khuôn đổ rót gốm được làm từ thạch cao là phương pháp tạo hình gốm sứ mang tính công nghiệp, tạo ra số lượng nhanh và nhiều trong thời gian ngắn.

 


Làm khô và sửa gốm mộc

 

Làng gốm cổ truyền Bát Tràng dùng phương pháp hong khô tự nhiên với đồ gốm mộc được nặn từ đất. Ngày nay, với kỹ thuật hiện đại, người thợ gốm sấy khô sản phẩm gốm mộc trong lò với nhiệt độ từ 500-700 độ C. 

 

Sản phẩm mới được tạo hình chưa hoàn thiện, cần được tinh chỉnh trước khi cho vào lò nung gốm. Các thao tác chính được dùng trong công đoạn sửa gốm mộc là: cắt, tiện (chi tiết thừa), chắp (thêm bộ phận như vòi ấm trà, quai chén, quai tách...), khoét trôn (chén, bát...).

 

Trang trí hoa văn và tráng men

 

Đối với sản phẩm gốm sứ in logo, ấm chén in logo, ấm chén làm quà tặng, bát đĩa in logo, bình hoa in logo, cốc sứ in logo... thì không cầu kỳ công đoạn trang trí hoa văn trước khi đưa vào nung. Vì vậy, khi sản phẩm gốm còn là đất mộc cần thêm các thao tác: đắp nổi, khắc chìm, đánh chỉ, vẽ, bôi men chảy...giúp cho sản phẩm thêm đa dạng và đẹp hơn.

 

Đắp nổi là gì?


Đắp nổi hay còn gọi là đắp phù điêu: là thao tác dùng tay đắp đất thêm vào một vài cùng nào đó trên sản phẩm rồi cắt tỉa để tạo hình.

 

 

 

Khắc chìm là gì?


Khắc chìm là khắc sâu các họa tiết lên sản phẩm thường được dùng với các đồ gốm có men màu.

 

Đánh chỉ là gì?


Đánh chỉ là cách thức định hình các vòng tròn quanh miệng, quanh thân hoặc chân sản phẩm bằng màu hoặc men màu.

 

Vẽ gốm Bát Tràng là gì?


Trước đây người thợ Bát Tràng dùng bút lông vẽ màu họa tiết lên sản phẩm, đòi hỏi tay nghề người thợ cao cùng các đường nét vẽ uyển chuyển. 
Ngày nay, Bát Tràng có phương pháp in dán đề can lên gốm sứ giúp giảm thiểu thời gian tạo họa tiết trên gốm sứ.

 

 

 

Men gốm là gì?

 

Men gốm là hỗn hợp được tạo nên từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Mỗi làng nghề gốm cổ truyền sẽ có bí quyết tạo men gốm khác nhau. Men gốm là lớp áo khoác bên ngoài sản phẩm gốm sứ giúp đồ gốm bền màu với thời gian và đẹp mắt hơn.

Men gốm được tạo thành dạng hồ lỏng, người thợ gốm nhúng đồ gốm đã tạo hình và vẽ họa tiết vào chậu men, chờ cho men khô sẽ chuyển sang công đoạn cuối cùng chính là nung gốm.

 

Các dòng men gốm Bát Tràng đặc trưng

 

Các sản phẩm gốm Bát Tràng rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và cả màu men. Hiện nay, các xưởng sản xuất gốm sứ Bát Tràng ngoài việc chế tạo nhiều dòng men mới còn kết hợp vẽ vàng trên gốm sứ đáp ứng thị hiếu của người dùng. 

 

3 dòng men gốm đặc trưng của Bát Tràng:

 

Men tro là gì?


Men tro là loại men gốm được tạo ra từ thành phần chính là đất sét trắng, vôi sống và tro trấu. Do được chế tạo hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên nên men tro có độ bền cao, lành tính, thân thiện với người sử dụng, nước men dung dị và gần gũi với người Việt.

 


Men nâu là gì?


Men nâu được pha chế từ men tro kết hợp thêm hỗn hợp oxit sắt và oxit mangan. Dòng men này có đặc trưng là màu sẫm như mà socola hoặc nước chè đặc, men rất bền màu, có chiều sâu.

 

Men rạn là gì?


Men rạn được dùng trong sản xuất gốm sứ Bát Tràng từ khoảng thế kỷ 17 với các nguyên liệu chính là vôi, tro trấu và cao lanh kết hợp với nhau. Sau khi nung đốt sẽ tạo ra các đường nứt tự nhiên trên sản phẩm gốm nhìn rất độc đáo.

 

Nung gốm sứ

 

Đồ gốm Bát Tràng sau khi trải qua 4 công đoạn nêu trên sẽ cần bước vào công đoạn cuối cùng là nung trong lò gốm ở nhiệt độ cao để trở nên cứng chắc, bền đẹp.

 

Chồng lò gốm là gì?


Chồng lò gốm hiểu đơn giản là chồng xếp các sản phẩm đã được gia công hoàn chỉnh vào lò để nung đốt. Việc sắp xếp các sản phẩm đòi hỏi người thợ lành nghề và giàu kinh nghiệm, am hiểu các vị trí nhiệt độ trong lò để sắp đặt sản phẩm thích hợp.

 

Nung gốm là gì?


Đồ gốm mộc Bát Tràng được sắp xếp trong lò xong xuôi, sẽ bước vào công đoạn cuối cùng là nung gốm. Ngày nay, đồ gốm sứ Bát Tràng được nung chủ yếu trong lò điện hoặc lò ga với kỹ thuật hiện đại có thể điều chỉnh nhiệt độ và quan sát trong lò khi đang nung. Để đồ gốm được chín đều, thời gian nung lò cần khoảng từ 20-24 giờ. Với các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, bình hút lộc, ca sứ, đồ thờ gốm sứ Bát Tràng khác nhau sẽ cần thời gian nung đốt và nhiệt độ nung khác nhau. Nhiệt độ nung gốm dao động trong khoảng 700-1250 độ C. 

 

Quay trở lại với kinh nghiệm dân gian được truyền nhiều đời của làng gốm Bát Tràng: “Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”. Khâu đốt là là quan trọng nhất mang tính quyết định sự thành bại của cả chuyến lò và công sức của người làm gốm.
Chính vì vậy, quá trình đốt lò được theo dõi cẩn thận, kỹ lưỡng và được thực hiện bởi người thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm.

 


Những lò nung gốm truyền thống tại Bát Tràng

 

Hiện nay, hầu hết xưởng sản xuất gốm sứ Bát Tràng đều sử dụng lò điện, lò ga trong việc sản xuất gốm sứ. Tuy nhiên, trong lịch sử nghề gốm Bát Tràng từng trải qua các lò nung gốm truyền thống sau đây: 

- Lò cóc: Là loại lò cổ xưa nhất được dùng để nung gốm, có hình dáng gần giống với một con cóc hoặc con ếch nên có tên gọi khác là lò ếch. Cấu trúc lò khá nhỏ, chiều dài khoảng 7m, rộng 3-4m, cao hơn 2m. Lò cóc sử dụng củi, tre, trấu, rơm rạ làm nguyên liệu nung đốt.

 

 

 

- Lò đàn: xuất hiện tại Bát Tàng khoảng giữa TK XIX, lò đàn có chiều dài 9m, rộng 2,5m, cao 2,6m. Nhiệt độ nung của lò đàn có thể đạt từ 1250-1300 độ C .


- Lò bầu: được người làm gốm Bát Tràng sử dụng vào khoảng đầu TK XX. Bầu có kết cấu dạng vòm giống như chiếc vỏ sò, thường có từ 3-5-7 thậm chí là 10 bầu. Nhiệt độ nung gốm khá cao, đạt tới 1300 độ C trở lên.

 

- Lò hộp: Cuối TK XX Bát tràng xây dựng lò hộp hay còn gọi là lò đứng để nung gốm. Lò cao khoảng 5m, rộng 0,9m, dùng than làm chất đốt, nhiệt nung lên tới 1250 độ C.

 

Để có một sản phẩm gốm hoàn chỉnh tới tay người sử dụng đã trải qua quy trình sản xuất gốm sứ với bao công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ và nhọc nhằn. Đồ gốm thủ công truyền thống được làm hoàn toàn bằng tay, không dùng máy móc nên nghề gốm được coi là một trong những nghề khó khăn, vất vả nhất bên cạnh nghề thợ mộc. Trong gốm không chỉ có đất, nước, lửa mà còn có mồ hôi, giọt nước mắt đắng cay khi lò gốm không thành. Mỗi sản phẩm lành lặn được sinh ra từ vô vàn sản phẩm đã lỗi hỏng. Hi vọng rằng, thông qua bài viết quy trình sản xuất gốm sứ Bát Tràng bạn đã thêm hiểu, thêm yêu nghề gốm cổ truyền và nâng niu mỗi vật phẩm gốm trong tay.

LIÊN HỆ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN