KHỔNG TỬ DẠY 6 CỘT MỐC CUỘC ĐỜI PHẢI NẮM CHẮC SINH MỆNH
Cuộc du hành của Khổng Tử tới nhân gian đã mang lại ý nghĩa lớn lao cho hậu thế. Cho đến ngày hôm nay, nhiều lời dạy của Khổng Tử vẫn giữ nguyên giá trị minh triết giúp con người sống đẹp và có ý nghĩa hơn. Giữa vũ trụ bao la vô tận, ngày đêm xoay vần không ngừng nghỉ, sự sống như vòng tuần hoàn lặp lặp đi lặp lại, con người dường như quá nhỏ bé, chỉ là một hạt cát trong đại dương mênh mông, chớp mắt đã biến mất. Đời sống ngắn ngủi đáng trân quý, ta nên hoạch định cuộc đời mình như thế nào để không uổng phí? Hãy cùng nghe Khổng Tử dạy về 6 cột mốc cuộc đời mỗi người cần nắm chắc sinh mệnh của mình mà đạt được thành tựu.
Khi đứng bên bờ sông, Khổng Tử thở dài nhìn dòng sông chảy mãi và nói về những chặng mốc quan trọng cuộc đời mình cho học trò và thế hệ sau biết rằng:
“Ta, năm mười lăm tuổi để trí vào sự học; ba mươi tuổi vững chí mà lập thân; bốn mươi tuổi thì tâm trí sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, chẳng còn nghi hoặc; năm mươi tuổi thì biết mệnh trời; sáu mươi tuổi thì hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được; bảy mươi tuổi, trong tâm dầu có muốn sự chi cũng chẳng hề sai phép tắc, lễ nghi”.
Lời Khổng Tử là một chuỗi dữ kiện về từng giai đoạn của con người được nhấn mạnh bởi những sự việc đặc biệt. Cùng điểm lại những dấu mốc cuộc đời Khổng Tử và rút ra bài học cho riêng mình nào.
Mười lăm tuổi để trí vào sự học
Người xưa để tâm vào việc học muộn hơn ngày nay. Xuất phát điểm của Khổng Tử trên hành trình khám phá văn hóa, triết học vũ trụ và nhân sinh khi mười lăm tuổi. Ngày nay chúng ta được tiếp cận văn hóa, chữ viết rất sớm nên trẻ em không đợi đến tuổi mười lăm mới để trí vào việc học. Không ít thần đồng trên thế giới hoàn thành chương trình đại học khi mới ở độ tuổi này. Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ đã ngoài hai mươi tâm trí vẫn không đặt vào việc học hành phát triển bản thân mà say đắm trong những thú vui tiêu khiển, những việc làm vô bổ.
Khổng Tử nói “Học để tự hoàn thiện bản thân”. Thông qua việc học, kinh nghiệm và luyện tập chúng ta mới dần tiến bộ, hiểu rộng và sâu sắc các vẫn đề, hình thành trí tuệ sắc bén, trực quan sinh động. Những điều này là nền tảng để bước vào tuổi ba mươi với dấu mốc quan trọng.
Tuổi mười lăm nếu không đặt chí vào sự học, lông bông, vô định không biết lẽ sống, đạo trời. Nói cách khác “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý. ”. Con người không học sẽ không biết lý lẽ phải trái đúng sai mà sinh ra hành động càn quấy.
Ba mươi tuổi vững chí mà lập thân
Bạn vẫn thường nghe câu “Tam thập nhi lập”. Trong giai đoạn này con người đều có xu hướng quay trở về nhìn nhận bản thân và tự hỏi “Tôi là ai? Tôi có vị trí gì trong xã hội”.
Ba mươi, chúng ta không còn quá trẻ nhưng cũng chưa đủ già, đôi mắt không còn nhìn cuộc đời đầy màu hồng đẹp đẽ nhưng cũng không nghĩ mọi thứ đều xấu xa đen tối như lúc tuổi đôi mươi.
Tuổi ba mươi, con người vững vàng trong đời sống nội tâm, bắt đầu tìm kiếm một vị trí trong xã hội để tự khẳng định mình bằng sự độc lập của tinh thần nội tâm.
Ba mươi tuổi, chúng ta thực sự trưởng thành, ý chí vững vàng, khao khát kiến tạo giá trị riêng cho mình.
Bốn mươi tuổi tâm trí sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, chẳng còn nghi hoặc
Từ những năm tháng “lập thân” đến khi “chẳng còn nghi hoặc” là thời gian ý nghĩa nhất của đời người. Trước khi đến tuổi ba mươi, người ta sống bằng sự thêm vào, không ngừng tiếp nhận từ thế giới bên ngoài: nào là kinh nghiệm, của cải, những mối quan hệ, danh tiếng...Nhưng càng có nhiều của cải vật chất, chúng ta càng trở nên nghi hoặc và bối rối.
Sau tuổi ba mươi con người bắt đầu sàng lọc, phân loại ra, học cách buông bỏ những điều mà tâm hồn không thật sự cần đến, khiến cho nội tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.
Bốn mươi tuổi, học cách sống bằng sự loại ra có nghĩa là bỏ đi những người mà ta không muốn làm bạn, từ chối làm những việc mà ta không muốn làm, không màng đến tiền tài mà ta không muốn kiếm. Chỉ khi chúng ta dám buông bỏ và biết cách buông bỏ mới có thể thực sự giải thoát bản thân mình khỏi những nghi hoặc.
Năm mươi tuổi biết mệnh trời
Ở độ tuổi năm mươi con người học cách “Tri thiên mệnh”, hiểu mệnh trời và sống thuận theo tự nhiên, không trách trời, không oán người, sẵn sàng chấp nhận những gì số mệnh đã dành sẵn cho mình. Chúng ta nhận ra rằng, tất cả những gì thuận lợi hay khó khăn, điều tốt hay điều xấu trong đời không tự nhiên mà có. Tự bản thân chúng ta có thể khắc phục và đối mặt một cách điềm tĩnh. Đó là bản lĩnh của người từng trải.
Tuổi năm mươi, chúng ta thôi không phàn nàn, có thể kiềm chế mọi sự chê bai, chỉ trích nơi tâm hồn mình, cũng ngừng trách móc người khác, quay về sự im lặng bên trong.
Tuổi năm mươi con người tri thiên mệnh, nội tâm trở nên kiên định, không dễ dàng dao động bởi ngoại cảnh bên ngoài. Đó là biểu hiện của sự trưởng thành và chín chắn, một tâm hồn mạnh mẽ hơn qua những sóng gió từng trải.
Sáu mươi tuổi thì hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được
Hiểu thông, thấu đáo những gì nghe được chính là năng lực biết lắng nghe mọi điều, bất kể những điều ấy thuộc loại nào và luôn đứng trên quan điểm của người khác, gạt bỏ cái tôi của mình.
Sáu mươi tuổi con người nghe thông hiểu thấu và tôn trọng người khác bằng một tinh thần cởi mở, vị tha tràn đầy sự hiểu biết và lòng khoan dung.
Sáu mươi tuổi, chúng ta lòng đã vơi đi chấp ngã, học cách mở rộng lòng để đón nhận, gặp gỡ quan điểm trái chiều, tinh thần cấp tiến bằng phong thái ung dung, điềm tĩnh, thấu hiểu.
Tuổi sáu mươi, sau những kiến thức đã được tôi rèn bằng trải nghiệm cuộc sống, mọi sự học hỏi và lao động vất vả sẽ mang đến cho ta sự tinh thông thật sự. Đó chính là sự hội tụ quy tắc của thế giới bên ngoài vào bên trong tâm hồn chúng ta. Nói cách khác, đây chính là tấm lòng thấu hiểu và bao dung vô bờ bến của con người tinh thông cuộc đời.
Bảy mươi tuổi, trong tâm dầu có muốn sự chi cũng chẳng hề sai phép tắc, lễ nghi
Bảy mươi tuổi “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, tuổi xưa nay hiếm ở đời. Hơn thế nữa, con người đã trải qua tuổi sáu mươi hiểu thông hiểu thấu, nhìn người, nhìn việc đời với đôi mắt khách quan, thấu hiểu, vị tha không chấp ngã. Vậy thì có lý do gì để hành xử sai phép tắc, lễ nghi.
Tuổi bảy mươi, chúng ta chẳng còn chút nào sự lỗ mãng của tuổi trẻ, sự nông nổi của lúc tráng niên...tâm hồn đã được trui rèn bởi bảy mươi năm sóng gió, nội tâm kiên định như tảng thạch.
Hãy cùng nhìn lại, những chặng đường bạn đã đi qua đối chiếu với con đường bậc vĩ nhân đã từng trải. Bạn có bỏ lỡ cung đường nào trong vận trình sống của mình hay chăng? Mỗi giai đoạn trước đều có ý nghĩa nền tảng cho sự bắt đầu và thành tựu của chẳng đường sau. Người xưa nói “ Đi học không phải cầu công danh phú quý mà là chí tại thánh hiền, chí làm người hiểu biết, không muốn làm người hồ đồ”. Tuổi trẻ đặt tâm vào sự học thì trung niên vững trí lập thân, tuổi già tri thiên mệnh, thông hiểu sự đời. Âu đó cũng là lẽ nhân sinh ở đời vẫn luôn tuần hoàn tiếp biến mãi không ngừng nghỉ.