GIAI THOẠI VỀ TƯỚNG NỐT RUỒI DƯỚI BÀN CHÂN
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời nhà Thanh ở vùng đất Hải Ninh có người tên là Trần Thanh Các. Lúc mới sinh ra họ Trần đã mang dị tướng dưới lòng bàn chân trái có nốt ruồi đỏ chót to bằng hạt đậu. Vốn biết ít nhiều về thuật xem tướng, ông cho rằng đó là tướng đại quý của mình. Trần Thanh Các được cử làm Tuần Vũ đất Quý Châu rồi được triều đình triệu về thăng chức Lễ Bộ Thượng Thư. Con đường hoạn lộ của ông kể cũng hanh thông đến kỳ lạ.
Mỗi buổi tối, tì nữ họ Hoàng thường bưng nước vào rửa chân cho Trần Thanh Các, lần nào cũng vậy, nó đều ngắm nghĩa say mê nốt ruồi dưới gan bàn chân kể như muốn nói điều gì đó. Trần công lất làm lạ nên hỏi:
- Vì cớ làm sao, mày cứ nhìn đăm đăm vào cái nốt ruồi của tao vậy?
Tì nữ ngượng ngùng trả lời:
- Lão gia, người là quý nhân. Tại sao quý nhân dưới gan bàn chân lại có nốt ruồi như thế này?
- Mày cho nó là nốt ruồi xấu à?
- Thưa vâng ạ.
Trần Công cả cười nói:
- Mày là tỳ nữ nên không biết cũng phải. Sở dĩ tao làm quan đến cực phẩm cũng là nhờ tướng cách nốt ruồi ấy đấy.
Tỳ nữ họ Hoàng cũng cười mà đáp lại:
- Lão gia, người không nói dối con đấy chứ? Lão gia chỉ có một nốt ruồi ở chân mà đã quý tới bậc công khanh, tại sao cả hai gan bàn chân của con đều có nốt ruòi son mà lại đi làm tỳ nữ?
Nghe xong, Trần công cả kinh liền hỏi:
- Mày nói có đúng sự thực không?
Tỳ nữ đáp:
- Thưa vâng. Con nào dám nói dối lão gia.
Vừa nói vừa lật gan bàn chân của nó lên, quả nhiên hai nốt ruồi đỏ chót nằm ở đấy.
Tức tốc ngay tối hôm ấy, Trần công cho phu nhân biết và nhất quyết lấy tỳ nữ họ Hoàng làm vợ bé. Làm vợ Trần Thanh Các được sáu năm, Hoàng phu nhân sinh liền ba người con trai. Người con đầu đặt tên là Trần Thế Quán, người thứ hai là Trần Thế Khản, cả hai đều tướng mạo đẹp đẽ thuộc loại quý cách. Nhưng đến đứa thứ ba mới thật là toàn hảo, mặt mũi khôi ngô, trán cao, lưỡng quyền chạy thẳng lên thái dương, mắt lớn, miệng rộng. Trần công xem tướng nó cho là đại quý, sau này công danh vượt xa cả hai anh.
Đúng lúc đứa nhỏ thứ ba của Trần công ra đời thì trong cung, vợ của Ung thân vương là Ung Kỳ phúc tấn cũng vừa lâm bồn nên cả hai đứa bé sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm. Hay tin đứa bé họ Trần đĩnh ngộ lắm, Ung Kỳ Phúc Tấn mới đòi Trần phu nhân bế nó vào cung cho xem mặt. Chính Ung thân vương ra tận sân đón, bế ẵm nâng niu. Hồi lâu sau, đứa bé được trả cho mẹ nó. Về tới phủ, Trần phu nhân mở tã gấm ra mới tá hỏa không phải con mình vì nó là đứa bé gái. Bà vội vàng cấp báo cho chồng. Trần công lập tức cấm các bà vợ không được tiết lộ nếu muốn cả nhà toàn mạng. Ông biết triều đình vừa dùng kế “du long chuyển phượng”. Từ đó, Trần công thản nhiên chăm sóc cho đứa bé gái này như con của mình.
Sau này, Ung thân vương lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Ung Chính, hai con trai của Trần công cũng đã đỗ đạt cao, còn Trần Thanh Các được vua phong làm Thượng Thư Bộ Lại.
Ung chính băng hà, vua Càn Long lên ngôi chính là đứa bé thứ ba của nhà Trần Thanh Các. Vua Càn Long dùng Thế Quán làm tể tướng. Anh em trông giống nhau lắm, các quan trong triều đều nhận thấy nhưng vì chính trị chẳng ai dám nói ra.