THUẬT DÙNG NGƯỜI CỦA TĂNG QUỐC PHIÊN
Tăng Quốc Phiên (1811-1872) là đại thần dưới thời nhà Thanh, bậc kỳ tài trên nhiều phương diện như chính trị, quân sự, dạy học, trị gia.... Ông viết tác phẩm “Băng giám” ghi chép lại nghệ thuật xem tướng tổng kết cách nhìn người tài và trọng dụng người tài. Cuốn sách này thu nạp gần như toàn bộ kinh nghiệm và nghệ thuật xem tướng đỉnh cao của Tăng Quốc Phiên trong suốt cuộc đời mình.
Sử sách ghi chép lại rằng: Tăng Quốc Phiên là người vô cùng điềm tĩnh, dũng mãnh, nghiêm cẩn trong mọi việc. Ông có đôi mắt hình tam giác sáng quắc, bộ râu uy vũ, tác phong ổn cố, thần thái phi phàm. Ông có thói quen, mỗi khi khách tới nhà, Tăng Quốc Phiên thường âm thầm quan sát tỉ mỉ tướng mạo, cử chỉ, thần thái của người đó.
Bằng đôi mắt sáng quắc, sắc lạnh, như nhìn thấu mọi vật, khiến ai cũng e dè, kính trọng khi được diện kiến Tăng Quốc Phiên. Dường như ông có tấm kính chiếu yêu mà bất cứ ai gặp ông cũng phải lộ rõ nguyên hình. Sau khi tiễn chân khách, Tăng Quốc Phiên lấy giấy bút ghi chép tỉ mỉ, kỹ lưỡng tất cả những gì mình ghi chép được từ hình mạo, tính cách, cử chỉ, lời nói, thái độ....cùng những suy đoán điểm tốt, điểm xấu của người đó. Sau này, khi đối chiếu lại người ta thấy rằng tất cả đều trùng khớp với nhận định của ông, không có sai sót.
Tương truyền lại rằng, vào những năm Hàm Phong, học trò của Tăng Quốc Phiên là Lý Hồng Chương đã lệnh cho ba vị tướng thống lĩnh quân đội đất Hoài đến gặp ông. Tăng Quốc Phiên đã để ba vị tướng này đứng chờ mình suốt hai canh giờ tại đại sảnh với lý do bận công vụ chưa tiếp khách. Hết hai canh giờ, ông ra gặp ba vị này nhưng không nói một tiếng nào mà mời họ ra về khiến nhiều người biết chuyện không khỏi ngạc nhiên.
Lý Hồng Chương không lấy làm lạ trước hành động này của thầy mình. Sau này, Tăng Quốc Phiên đã kể cho Lý Hồng Chương nghe lý do ông làm việc lạ đời và nhận xét về ba vị tướng quân như sau:
Ông để ba người đứng chờ trong đại sảnh còn bản thân âm thầm quan sát từ phòng kế bên. Nhất cử nhất động của họ đều không nằm ngoài tầm mắt của Tăng Quốc Phiên. Người mặt rỗ không được tiếp kiến Tăng Quốc Phiên cảm thấy ông cố tình hạ nhục nên bực bội mặt đỏ tía tai, bộ dạng như muốn đánh nhau ngay cho thấy khí khái uy vũ, bất khuất của vị tướng soái. Người dáng cao đứng chờ trong tư thế rất ung dung tự tại cho thấy người này điềm đạm, trầm tĩnh, kiên nghị, rắn rỏi. Người thấp bé đôi mắt sáng lấp lánh như sao, mỗi khi có người đi qua thì đứng rất ngay ngắn như không có ai thì lập tức thả lỏng cho thấy cốt cách tầm thường.
Thực tế đã chứng minh nhận xét của Tăng Quốc Phiên hoàn toàn chính xác. Trong ba người không được gặp Tăng Quốc Phiên, người mặt nhiều nốt rỗ là Lưu Minh Truyền đánh đông dẹp bắc, trí dũng song toàn, xuất tướng nhập tướng, thống lĩnh quân đội tiến đánh tới Đài Loan khiến quân Pháp thất bại. Lưu Minh Truyền là vị tướng nổi tiếng chỉ sau Trịnh Thành Công ở Đài Loan mà thôi. Tướng quân dáng người cao tên là Trương Thụ Thanh sau này lập nhiều chiến công hiển hách được phong làm Tổng đốc Quảng Đông. Người thấp bé là vị tướng họ Ngô, trong quá trình chiến đấu rất giảo hoạt, khôn vặt, nhiều thủ thuật nên chỉ được làm chức quan quèn mà thôi.