KHỔNG TỬ BÀN VỀ CHÍNH QUYỀN QUỐC GIA
Khổng Tử - nhà tư tưởng vĩ đại được tôn sùng là hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Những lời dạy, quan điểm triết học của ông có ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành nền tảng văn hóa tại nhiều nước Á Đông. Ông là người khai sinh ra Nho giáo đề cao đạo đức của mỗi con người trong mối quan hệ xã hội: cha mẹ, anh em, vợ chồng, bè bạn, quốc gia.... Trong một lần mạn đàm với học trò của mình, Khổng Tử đã nói về chính quyền quốc gia rất thâm thúy mà giản dị.
Có lần, học trò của Khổng Tử là Tử Cống đã hỏi thầy mình rằng:
“Thưa thầy, những điều kiện nào cần thiết để có một đất nước thanh bình và một chính quyền ổn định?”
Khổng Tử giản dị đáp:
“ Chỉ có ba điều kiện: Vũ khí đầy đủ, lương thực đầy đủ, lòng tin của dân chúng”.
Vì sao vậy?
Thứ nhất, một đất nước muốn thanh bình cần có nguồn nội lực mạnh mẽ, phải có đủ sức mạnh quân sự để tự bảo vệ nó trước những nguy cơ tiềm ẩn. Thực tế đã chứng minh rằng, những quốc gia có tiềm lực quân sự vững mạnh sẽ có nền tảng kinh tế ổn định và người dân được thanh bình. Cho nên, quốc gia cần có vũ khí đầy đủ để bảo vệ chính nó.
Thứ hai, có thực mới vực được đạo. Lương thực là nhu yếu quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Lương thực cần đầy đủ để dân chúng được no ấm, duy trì trật tự xã hội. Người mạnh về gạo, cá bạo về nước. Không đủ lương thực dễ gây ra bạo loạn thì chính quyền sao có thể ổn định được?
Thứ ba, dân chúng phải tin tưởng vào quốc gia. Khi dân chúng mất lòng tin vào quốc gia tất chính quyền sẽ lung lay.
Tử Cống là người có nhiều câu hỏi lạ lùng, bèn hỏi Khổng Tử rằng:
“Thầy nói ba điều kiện là quá nhiều. Xin thầy cho biết, nếu phải bỏ bớt đi một điều kiện, thầy sẽ bỏ điều kiện nào trước tiên?”
Khổng Tử đáp:
“Bỏ vũ khí”. Chúng ta có thể không cần đến sự bảo vệ quân sự.
Tử Cống lại hỏi:
“Nếu phải bỏ thêm một điều kiện nữa, thầy sẽ bỏ điều kiện nào?”
Khổng Tử lại đáp:
“ Bỏ lương thực”. Chúng ta sẵn sàng không ăn.
Khổng Tử tiếp lời:
“Cái chết luôn ở bên ta từ khi chào đời, nhưng khi không có niềm tin, dân chúng sẽ không có gì để nương tựa”.
Không có lương thực chắc chắn sẽ dẫn đến cái chết, nhưng từ xưa đến nay đã từng có ai là không phải chết? Vì thế, chết không phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Điều tồi tệ nhất trong mọi điều là sự sụp đổ và tan vỡ lòng tin khi công dân của một quốc gia quay lưng lại với tổ quốc của mình.
Về phương diện vật chất, một quốc gia hạnh phúc không khác gì hơn là một loạt những mục tiêu ăn ngon, mặc đẹp, thịnh vượng được thực hiện. Tuy nhiên, sự an bình và ổn định thực sự đến từ bên trong và chi phối chúng ta. Điều này không gì khác ngoài niềm tin.
Đó là quan điểm của Khổng Tử về chính quyền hết sức dung dị mà sâu sắc. Lịch sử đã chứng minh rằng, chỉ với sức mạnh của niềm tin cũng đã đủ để giữ vững nền tự chủ quốc gia .
Nhân tướng là bộ môn nghiên cứu toàn diện về con người. Chỉ dựa vào một bộ vị để đánh giá là thiếu khách quan. Để luận tướng cần xem xét tổng thể các bộ vị. Bài viết dựa trên tư liệu tham khảo và kinh nghiệm xem tướng của tác giả. Độc giả nếu sao chép vui lòng trích rõ nguồn nhantuong.com.vn